LỄ NGHI MỜI TRÀ CỦA NGƯỜI VIỆT

Uống trà từ lâu đã trở thành thói quen hàng ngày của người Việt Nam. Mời trà khách đến nhà đã trở thành nét văn hóa truyền thống không thể thiếu từ xưa đến nay. Uống trà trải qua thời gian được nâng tầm lên thành nghệ thuật thưởng trà tinh tế. Thưởng trà không chỉ để thưởng thức hương vị trà mà còn để cảm nhận cả những giá trị sâu sắc.

Văn hóa trà Việt giản dị, gần gũi nhưng vẫn toát lên vẻ tinh tế, thanh cao. Tuy không cầu kỳ như trà đạo, nhưng văn hóa trà Việt cũng có những nguyên tắc riêng, mang đậm giá trị truyền thống.

Những nguyên tắc nhỏ khi mời trà tưởng chừng như đơn giản nhưng lại ẩn chứa những giá trị đạo lý to lớn.

Cổ ngữ nói “Ăn có tướng ăn, ngồi có tướng ngồi, uống trà cũng có một bộ lễ nghi, mời khách uống trà lại càng cần phải phù hợp lễ nghi”. Thưởng trà cũng được gọi là “phẩm minh”, hay gọi tinh tế hơn là “phẩm trà”. Phẩm trà không đơn giản chỉ là tận hưởng hương vị của trà, mà cũng là lễ nghi cơ bản nhất khi thưởng trà. Có thể nói, chút lễ nghi khi mời trà nhìn như đơn giản nhưng lại ẩn chứa sự tu dưỡng rất lớn. Dưới đây là 5 nguyên tắc cần chú ý để tránh thất lễ khi mời trà.

Lễ tiết “Rượu đầy, trà vơi”

Cổ ngữ nói: “Tửu mãn kính nhân, trà mãn khi nhân”, ý nói mời khách chén rượu đầy là thể hiện sự kính trọng nhưng mời khách chén trà đầy là thể hiện sự coi thường khách. Trà vơi, nhưng như thế nào là vơi? Có một nguyên tắc là: Trà bảy phần đầy. Lúc châm trà mời khách thì không nên rót đầy, chỉ nên rót vơi, bảy tám phần là được rồi. Bởi vì nước trà nóng, nếu rót đầy chén chẳng những có thể làm cho khách bị bỏng, mà chén trà quá nóng, khách cũng không có cách nào bưng lên để uống được. Ngoài ra chén trà đầy sẽ khiến nhiệt độ của trà khó hạ xuống làm ảnh hưởng đến việc cảm thụ hương vị trà. Cho nên, theo cổ nhân làm như thế là không có sự tôn kính đối với khách. Nói sâu xa thêm một chút, thậm chí còn có ý là đuổi khách về. Có nhiều nơi, coi hành vi như thế chính là ‘bưng trà tiễn khách’.

Trên trước dưới sau, già trước trẻ sau

Trong lễ nghi tiếp đãi khách nói chung, người xưa sẽ tiếp đãi theo thứ tự người bề trên được mời trước, người bên dưới mời sau, mời trà người già trước, mời người trẻ sau. Đây cũng là thể hiện văn hóa tôn kính người bề trên của cổ nhân. Nếu khi uống trà, mọi người đều cùng tuổi, cùng thế hệ với nhau thì có thể không cần theo thứ tự này. Đối với lần châm trà lần thứ hai cũng có thể bỏ qua thứ tự này. 

Khách trước chủ sau, có khách phải thay trà


Khi mời trà khách, chủ nhân phải đợi cho tất cả khách đều phẩm trà trước rồi mới đến lượt mình. Đây là thể hiện sự tôn trọng của chủ nhà đối với khách.

Nếu trong quá trình uống trà, có người khách mới đến, chủ nhân phải kịp thời thay trà mới để thể hiện sự chào đón, hoan nghênh của mình đối với khách. Đồng thời, để thể hiện thành ý của mình, chủ nhân có thể hỏi thêm khách về thói quen uống trà và nhiệt tình mời khách ngồi. Nếu không kịp thời thay trà sẽ khiến khách có cảm giác bị khinh khi, không chào đón.

Giữ thái độ vui vẻ, hòa nhã

Chủ nhà mời khách thưởng trà phải luôn giữ thái độ vui vẻ, hòa nhã. Làm người khách mà nói cũng không được thất lễ, khi nhận được trà từ chủ nhân mời phải nói câu “cảm ơn”, hoặc mỉm cười để thể hiện sự tôn trọng của mình đối với người chủ. Nếu cảm thấy không thoải mái khi thưởng trà, người khách có thể đặt chén trà xuống bàn không thưởng thức nữa thì người chủ sẽ tự động hiểu.

Từ bài viết này chúng ta có thể thấy, uống trà tuy là một việc rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày nhưng những lễ nghi tất yếu là điều không thể thiếu. 

Tuy nhiên, mời trà quan trọng nhất vẫn là cái tâm, thật tâm muốn mời một người một tách trà ngon như vậy là bạn đã biết nên làm thế nào để có thể thưởng thức được cái vị ngon của trà một cách trọn vẹn. Hi vọng bạn đọc của Trà Hoa Việt có thể hiểu đúng các nghi thức cơ bản trong uống trà, tránh sai sót tối kị nhất và thực hành chuẩn hơn các thao tác để thể hiện sự am hiểu, tinh tế, lịch sự và tạo ấn tượng tốt với mọi người.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.