Trà được người Việt dùng suốt năm, suốt đời, kể từ quán nước bên hè phố đến ấm trà trong gia đình, hay những nhà hàng sang trọng. Nhâm nhi chén trà là khởi đầu cho những cuộc gặp gỡ hàn huyên của bạn bè tri kỷ, của những cuộc giao lưu bất chợt để từ không quen biết trở thành bạn.
Phong cách uống trà của người Việt Nam cũng rất đa dạng, không theo chuẩn mực nào, biểu hiện đầy đủ khía cạnh trong văn hóa giao tiếp giữa người pha trà và người được mời thưởng trà. Có một điều đặc biệt là Việt Nam không có trà đạo mà chỉ có Nghệ thuật thưởng trà Việt, bởi phong cách uống trà của người Việt Nam ta xưa nay không hề bị ảnh hưởng bởi Trung Hoa, Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Người trong Cung trước kia khi pha trà dâng Vua thường hứng từng giọt sương trên lá sen từ lúc mặt trời còn chưa ló dạng. Còn các cụ xưa thường dùng nước mưa, bởi nước càng tinh khiết thì khi hãm xong nước trà sẽ càng ngọt.
Trước khi pha trà thì phải tráng ấm bằng nước sôi rồi cho nước vào trước, cho trà vào sau. Khi pha xong thì đậy nắp kín rồi cứ thế “tắm” ấm trà qua một lượt nước sôi để giữ nhiệt độ bên trong ấm trà sao cho đủ để sợi trà được nở đều.
Từ xa xưa, những người sành trà thường sẽ thích chọn trà ướp hoa bởi nước trà không chỉ có vị trà mà còn phảng phất hương hoa thanh tao.
Đã có giai đoạn, trà ướp hoa hầu như chỉ được dùng trong tầng lớp vua chúa, danh gia vọng tộc hoặc hàng nho sĩ. Tuy nhiên, ngày nay, trà ướp hoa trở nên gần gũi, mộc mạc, xuất hiện ở mọi nơi và không còn sự phân biệt tầng lớp. Văn hóa thưởng trà của người Việt tuy đã có nhiều sự thay đổi, thế nhưng, nghệ thuật thưởng thức trà của người Việt vẫn mang những nét đẹp riêng và phản ánh được những phong tục, tính cách của người Việt.
Vì được dùng trong tầng lớp quyền quý cao sang, nên việc pha trà ướp hoa cũng rất công phu. Từng giọt sương mai tinh khiết đẫm trên búp sen được người ta chắt lọc, nâng niu đem về để pha trà. Tiền nhân còn sử dụng nước mưa để pha trà, giúp giữ nguyên vị ngọt thanh của trà, hương tự nhiên của hoa, đặc biệt sau khi uống sẽ lưu giữ vị ngọt đọng lại nơi cuống họng, hương hoa phảng phất theo từng hơi thở.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, tập tục uống trà vẫn giữ được nét đẹp riêng của nó. Từ thời xa xưa, ông cha ta đã sử dụng trà như là một thứ nước uống hằng ngày. Vào mỗi bữa sáng khi mới thức dậy, việc đầu tiên của các bậc đi trước chính là đun nước pha một ấm trà.
Thưởng trà như một thói quen đã hằn sâu vào những hoạt động thường ngày của người dân Việt Nam lúc xa xưa hay bấy giờ. Trà không chỉ phục vụ cho việc giải khát mà nó còn giúp thanh lọc cơ thể và tâm hồn người thưởng trà.
Uống trà không đơn giản chỉ là để giải khát, uống trà còn giúp tinh thần minh mẫn, bình tĩnh, tỉnh táo và thêm bao dung với cuộc sống xung quanh. Chén trà vừa là sợi dây gắn kết những người tri kỷ, cũng vừa là thứ giúp những người mới quen xích lại gần nhau hơn. Với trà ướp hoa, nhấp một ngụm trà ta sẽ có thêm một câu chuyện về thú vui thưởng trà tao nhã, đầy hoài niệm.
Có thể khẳng định, trong mỗi gia đình Việt Nam dù theo phong cách hiện đại hay truyền thống đều sở hữu cho mình một bộ tách ấm để pha trà. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường dùng tách trà mời khách thể hiện sự niềm nở đón tiếp, sự nồng nhiệt, tôn trọng của gia chủ đối với vị khách đến thăm nhà.
Văn hóa trà Việt Nam còn thể hiện sự mộc mạc, chân thành, bình đẳng giữa các tầng lớp với nhau. Từ những người làm công việc cao sang cho đến những người nông dân hay cho dù bất kể là lễ tết hay hiếu hỉ, thì tất cả người dân Việt đều uống trà, mời trà để thể hiện lòng kính khách.
Có thể nói văn hoá trà Việt Nam như một dòng suối âm ỉ chảy dài theo bề dày lịch sử và chảy mãi trong tâm hồn của mỗi người dân mang dòng máu rồng phượng này. Đó cũng chính là lý do tại sao Văn hoá uống trà của người Việt chính là sự tiếp nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa thời xưa và nay.